Điều tra dân số giữa kỳ năm 2024 thu thập thông tin cơ bản về dân số và nhân khẩu học, tình hình biến động dân số (sinh, chết và di cư)…
Kết quả chủ yếu một số chỉ tiêu chính của Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 như sau:

1. Quy mô và cơ cấu dân số
(1) Theo kết quả Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 (Điều tra DSGK 2024), dân số Việt Nam thời điểm 01/4/2024 là 101.112.656 người. Việt Nam là quốc gia đông dân thứ ba trong khu vực Đông Nam Á (sau In-đô-nê-xi-a và Phi-li-pin) và thứ 16 trên thế giới. Sau 5 năm, kể từ năm 2019 đến nay, quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 4,9 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2019 – 2024 là 0,99%/năm, giảm 0,23 điểm phần trăm so với giai đoạn 2014 – 2019 (1,22%/năm).
Trong tổng dân số cả nước, dân số nam là 50.346.030 người, chiếm 49,8%; dân số nữ là 50.766.626 người, chiếm 50,2%; dân số thành thị là 38.599.637 người, chiếm 38,2%; dân số nông thôn là 62.513.019 người, chiếm 61,8%. Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm khu vực thành thị giai đoạn 2019-2024 là 3,06%/năm, gấp 1,5 lần tỷ lệ tăng dân số bình quân năm khu vực thành thị của cả nước giai đoạn 2014-2019 (2,02%).
(2) Cả nước có 28.146.939 hộ dân cư, tăng gần 1,3 triệu hộ so với năm 2019, tăng 3,9 triệu hộ so với năm 2014 và gấp khoảng 1,25 lần so với 15 năm trước (năm 2009).
(3) Mật độ dân số của Việt Nam là 305 người/km2, tăng 15 người/km2so với năm 2019. Việt Nam là quốc gia có mật độ dân số đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á, sau Xin-ga-po (8.539 người/ km2) và Phi-li-pin (386 người/ km2).
Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ là hai vùng có mật độ dân số cao nhất toàn quốc, tương ứng là 1.126 người/km2 và 814 người/km2. Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là hai vùng có mật độ dân số thấp nhất, tương ứng là 140 người/km2 và 114 người/km2.
(4) Tỷ số giới tính của dân số là 99,2 nam/100 nữ. Trong đó, tỷ số giới tính khu vực thành thị là 96,7 nam/100 nữ, khu vực nông thôn là 100,7 nam/100 nữ. Tỷ số giới tính có sự khác biệt theo các nhóm tuổi, cao nhất ở nhóm 0-10 tuổi (110,2 nam/100 nữ) và thấp nhất ở nhóm từ 80 tuổi trở lên (53,8 nam/100 nữ). Tỷ số giới tính gần như cân bằng ở nhóm 40-49 tuổi (100,8 nam/100 nữ) và bắt đầu giảm xuống dưới 100 ở nhóm 50-59 tuổi (97,3 nam/100 nữ).
(5) Đồng bằng sông Hồng là nơi tập trung dân cư lớn nhất của cả nước với 24,0 triệu người, chiếm 23,7% tổng dân số cả nước; Tây Nguyên là nơi có ít dân cư sinh sống nhất với 6,2 triệu người, chiếm 6,2% dân số cả nước. Giai đoạn 2019 – 2024, Đông Nam Bộ là vùng có tỷ lệ tăng dân số bình quân năm cao nhất cả nước (1,46%/năm); Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ tăng dân số bình quân năm thấp nhất (0,29%/năm).
Cả nước có 19 tỉnh với quy mô dân số nhỏ, dưới 1 triệu người; 37 tỉnh có quy mô dân số từ 1 đến 2 triệu người; 7 tỉnh có quy mô dân số trên 2 triệu người. Riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai thành phố có quy mô dân số lớn nhất, tương ứng là 8.685.607 người và 9.521.886 người). Chênh lệch về dân số giữa địa phương đông dân nhất cả nước (Thành phố Hồ Chí Minh) và địa phương ít dân số nhất cả nước (Bắc Kạn) là trên 29 lần (dân số của Bắc Kạn là 328.609 người).
(6) Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” với hai người trong độ tuổi lao động thì có một người phụ thuộc. Trong đó, tỷ trọng dân số từ 15-64 tuổi chiếm 67,4% (giảm 0,6 điểm phần trăm so với năm 2019), tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi chiếm 23,3% (giảm 1,0 điểm phần trăm so với năm 2019) và tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm 9,3% (tăng 1,6 điểm phần trăm so với năm 2019).
(7) Chỉ số già hóa năm 2024 là 60,2%, tăng 11,4 điểm phần trăm so với năm 2019 và 16,9 điểm phần trăm so với năm 2014. Số lượng người già từ 60 tuổi trở lên là 14,2 triệu người, tăng 2,8 triệu người (tương ứng gấp 1,25 lần) so với năm 2019 và tăng 4,7 triệu người (tương ứng gấp 1,5 lần) so với năm 2014. Dự báo đến năm 2030, số người từ 60 tuổi trở lên sẽ xấp xỉ 18 triệu người, tăng gần 4 triệu người so với năm 2024.
2. Tình trạng hôn nhân
(8) Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên đã từng kết hôn là 74,9%. Tình trạng hôn nhân phổ biến nhất của dân số từ 15 tuổi trở lên ở Việt Nam là “Có vợ/có chồng” (65,3%).
(9) Tuổi kết hôn trung bình lần đầu của dân số là 27,3, tăng 2,1 năm so với năm 2019, trong đó nam giới kết hôn muộn hơn nữ giới 4,2 năm (tương ứng là 29,4 năm và 25,2 năm). Nữ ở khu vực thành thị kết hôn muộn hơn đáng kể so với nữ ở khu vực nông thôn, chênh lệch tuổi kết hôn trung bình lần đầu của nữ thành thị cao hơn của nữ nông thôn là 2,7 năm (26,8 năm so với 24,1 năm).
3. Giáo dục
(10) Trong những năm gần đây, giáo dục phổ thông đã có sự cải thiện rõ rệt về việc tăng tỷ lệ đi học chung và đi học đúng tuổi. Tỷ lệ đi học chung của cấp tiểu học là 98,7%, cấp trung học cơ sở (THCS) là 95,6% và trung học phổ thông (THPT) là 79,9%. Tỷ lệ đi học đúng tuổi các cấp này lần lượt là 98,3%, 95,2% và 79,4%. Với kết quả này có thể nói Việt Nam đã hoàn thành phổ cập giáo dục cấp tiểu học và tiệm cận gần đến mục tiêu hoàn thành phổ cập giáo dục cấp THCS.
Tỷ lệ đi học chung cấp tiểu học đã đạt ngưỡng cao và gần như không thay đổi đáng kể qua các năm, trong khi đó, năm 2024 tỷ lệ đi học chung cấp THCS và THPT tăng đáng kể so với năm 2019 (cấp THCS tăng 2,8 điểm phần trăm; cấp THPT tăng 7,6 điểm phần trăm).
(11) Tổng số người tốt nghiệp THPT trở lên của cả nước chiếm 40% tổng dân số từ 15 tuổi trở lên, trong đó nam là 41,2%; nữ là 38,8%. Tỷ lệ dân số có trình độ học vấn tốt nghiệp THPT trở lên đã tăng đáng kể, tăng 3,5 điểm phần trăm so với năm 2019 và tăng gần 15 điểm phần trăm so với năm 2014 (40,0% so với 25,4%).
Toàn quốc có 73,6% dân số từ 15 tuổi trở lên không có trình độ chuyên môn kỹ thuật (CMKT). Hay nói cách khác, có 26,4% dân số từ 15 tuổi trở lên ở Việt Nam có CMKT; gần một nửa trong số đó là người có trình độ từ đại học trở lên (chiếm 11,6%). Tỷ lệ dân số có trình độ CMKT đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây, tăng 7,2 điểm phần trăm so với năm 2019 và tăng 9,2 điểm phần trăm so với năm 2014.
(12) Kết quả Điều tra DSGK năm 2024 cho thấy, số năm đi học bình quân của dân số Việt Nam là 9,6 năm, tăng nhẹ so với năm 2019 (9,0 năm). Trong đó, số năm đi học bình quân của nam giới cao hơn nữ giới 0,7 năm; số năm đi học bình quân của khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn 2,5 năm.
Số năm đi học kỳ vọng là 12,6 năm, tăng nhẹ so với năm 2019 (12,2 năm). Hầu như không có sự chênh lệch về số năm đi học kỳ vọng giữa nam và nữ, điều này phản ánh việc tiếp cận bình đẳng trong lĩnh vực giáo dục về giới tính.
4. Mức sinh
(13) Tổng tỷ suất sinh (TFR) là 1,91 con/phụ nữ, dưới mức sinh thay thế. Kể từ năm 2009 đến hết năm 2022, trong suốt gần 15 năm, mức sinh của Việt Nam giữ trạng thái tương đối ổn định xung quanh mức sinh thay thế. Tuy nhiên, trong hai năm gần đây, 2023-2024, mức sinh Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu giảm nhanh hơn. Năm 2023, TFR của Việt Nam là 1,96 con/phụ nữ và con số này giảm tiếp xuống còn 1,91 con/phụ nữ vào năm 2024.
TFR của khu vực thành thị là 1,67 con/phụ nữ, thấp hơn so với khu vực nông thôn (2,08 con/phụ nữ). Có sự khác biệt đáng kể về mức sinh giữa các vùng kinh tế – xã hội trong cả nước. Trung du và miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên là các vùng có mức sinh cao, cao hơn mức sinh thay thế (lần lượt là 2,34 con/phụ nữ, 2,24 con/phụ nữ). Hai vùng có mức sinh thấp và thấp hơn mức sinh thay thế là Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (lần lượt là 1,48 con/phụ nữ, 1,62 con/phụ nữ).
(14) Tỷ suất sinh thô (CBR) của Việt Nam năm 2024 là 13,5 trẻ sinh sống/1000 dân. Chỉ số này ở khu vực thành thị là 12,8 trẻ sinh sống/1000 người dân; ở khu vực nông thôn là 13,9 trẻ sinh sống/1000 người dân).
(15) Tỷ số giới tính khi sinh (SRB) của Việt Nam là 111,4 bé trai/100 bé gái, cao hơn khá nhiều so với mức cân bằng là khoảng 106 bé trai/100 bé gái. Tình trạng SRB ở mức cao này đã quan sát được từ nhiều năm nay ở Việt Nam. Điều này là bằng chứng về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh kéo dài khá lâu ở Việt Nam và những cảnh báo về hệ lụy của sự mất cân bằng giới tính khi sinh cùng với sự quyết liệt thực hiện các chính sách nhằm xóa bỏ sự can thiệp có chủ đích trong lựa chọn giới tính khi mang thai ở Việt Nam trong thời gian qua chưa đạt hiệu quả cao; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh chưa được khắc phục.
5. Mức chết
(16) Tỷ suất chết thô của Việt Nam năm 2024 là 5,6 người chết/1000 dân, trong đó của thành thị là 4,6 người chết/1000 dân; nông thôn là 6,3 người chết/1000 dân.
(17) Từ năm 2009 đến năm 2024, tỷ suất chết của trẻ em dưới một tuổi (IMR) giảm từ 16,0 xuống 11,3 trẻ tử vong trên 1000 trẻ sinh sống. Ở khu vực thành thị, IMR giảm từ 9,4 xuống 7,0 trẻ em tử vong trên 1000 trẻ em sinh sống, trong khi đó ở nông thôn IMR đã giảm từ 18,7 xuống 12,1 trẻ em tử vong trên 1000 trẻ em sinh sống.
(18) Tỷ suất chết của trẻ em dưới 5 tuổi (U5MR) của Việt Nam năm 2024 là 16,9 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong/1000 trẻ sinh sống, giảm so với năm 2019 (21,0 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong/1000 trẻ sinh sống). Có sự khác biệt rất rõ giữa thành thị – nông thôn và giữa các vùng trên cả nước. U5MR của khu vực nông thôn gấp gần hai lần ở khu vực thành thị (tương ứng là 22,3 và 16,0 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong/1000 trẻ sinh sống). Vùng Trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên có U5MR khá cao (24,4 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong/1000 trẻ sinh sống và 26,7 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong/1000 trẻ sinh sống).
(19) Tuổi thọ bình quân năm 2024 của cả nước là 74,7 tuổi; trong đó, tuổi thọ của nam giới là 72,3 tuổi, của nữ giới là 77,3 tuổi. So với năm 2019, tuổi thọ bình quân tính từ lúc sinh của Việt Nam đã tăng lên 1,1 năm; mức tăng tuổi thọ của nam giới cao hơn so với mức tăng của phụ nữ, tương ứng là 1,3 năm và 1,0 năm.
(20) Phần lớn các trường hợp chết xảy ra trong 12 tháng trước thời điểm Điều tra DSGK 2024 là do bệnh tật/chết già (92,4%). Ngoài yếu tố bệnh tật, tai nạn giao thông là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tử vong. Tỷ trọng người chết vì tai nạn giao thông là 3,3%; trong đó, tỷ trọng này ở nam giới gấp gần ba lần ở nữ giới (4,4% so với 1,5%).
6. Di cư nội địa
(21) Theo kết quả Điều tra DSGK 2024, trong tổng số 93,5 triệu người từ 5 tuổi trở lên, số người di cư là 4,0 triệu người tương ứng với 4,3%. Trong đó, số người di cư trong huyện là 1,6 triệu người, tương ứng với tỷ lệ 1,7%, số người di cư giữa các huyện trong cùng tỉnh là 0,7 triệu người, tương ứng 0,8%, số người di cư giữa các tỉnh là 1,6 triệu người, tương ứng 1,8%.
Mặc dù dân số liên tục tăng nhưng quy mô và tỷ lệ người di cư tiếp tục xu hướng giảm và giảm xuống mức thấp nhất từ năm 1999 đến nay. Cụ thể là năm 1999, cả nước có 4,5 triệu người di cư trên tổng số 69 triệu dân số từ 5 tuổi trở lên (chiếm tỷ lệ 6,5% trên tổng dân số) sau đó tăng lên cao nhất đến 6,7 triệu người vào năm 2009 (chiếm tỷ lệ 8,5%) và giảm dần vào các năm tiếp theo, đến năm 2024, cả nước chỉ còn 4,0 triệu người di cư (chiếm 4,3%).
(22) Đông Nam Bộ vẫn là điểm đến thu hút nhất đối với người di cư. Trong 5 năm trước thời điểm điều tra, có 615 nghìn người nhập cư đến vùng này, chiếm hơn một nửa tổng số người di cư giữa các vùng trên cả nước. Phần lớn người nhập cư đến vùng Đông Nam Bộ là từ Đồng bằng sông Cửu Long (353,1 nghìn người, chiếm 57,4%); phần lớn người nhập cư đến Đồng bằng sông Hồng là những người đến từ vùng Trung du và miền núi phía Bắc (139,8 nghìn người, chiếm 62,4%).
(23) Toàn quốc có 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tỷ suất di cư thuần dương, nghĩa là người nhập cư nhiều hơn người xuất cư. Trong đó, tỉnh Bình Dương có tỷ suất di cư thuần dương cao nhất (77,6‰). Tiếp theo là Bắc Ninh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh với tỷ suất di cư thuần lần lượt là 61,8‰, 55,1‰, 30,9‰ và 25,8‰.
(24) Độ tuổi phổ biến của người di cư từ 20-39 tuổi, chiếm 60,1% tổng số người di cư. Tỷ trọng người có độ tuổi này của người di cư gấp 1,5 lần của người không di cư (60,1% so với 38,2%). Tuổi trung vị của người di cư là 28 tuổi, tức một nửa dân số di cư có độ tuổi dưới 28 trong khi tuổi trung vị của người không di cư là 36 tuổi, cao hơn 8 tuổi.
(25) Kết quả Điều tra DSGK 2024 ghi nhận hiện tượng “nữ hóa di cư” trên phạm vi cả nước. Trong tổng dân số di cư, nữ giới chiếm 55,7%, cao hơn so với mức 50,2% của dân số nữ không di cư.
(26) Phần lớn người di cư quyết định chuyển tới nơi ở mới vì lý do tìm việc/bắt đầu công việc mới (39,9%) hoặc theo gia đình/chuyển nhà (30,5%).
Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ thời điểm 0 giờ 01/4/2024 là cuộc điều tra trong Chương trình điều tra thống kê Quốc gia được ban hành theo Quyết định số 03/2023/QĐ-TTg ngày 15/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 được tiến hành theo Quyết định số 629/QĐ-TCTK ngày 14 tháng 7 năm 2023 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.
Đây là cuộc điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ lần thứ hai được thực hiện ở Việt Nam sau khi cuộc điều tra lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2014. Mục đích điều tra là thu thập thông tin về dân số và nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội thời kỳ 2021-2025; xây dựng chính sách, lập kế hoạch dân số và nhà ở phục vụ xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội thời kỳ 2026-2030; giám sát thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết.
Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ thời điểm 0 giờ 01/4/2024 là cuộc điều tra chọn mẫu, quy mô mẫu lớn, cỡ mẫu khoảng 20% địa bàn điều tra của cả nước (tương đương 39.340 địa bàn điều tra), mẫu được thiết kế đảm bảo mức độ đại diện đến cấp huyện đối với chỉ tiêu về quy mô dân số và cấp tỉnh đối với các chỉ tiêu còn lại.
Bạn có biết?
- Top 10 tỉnh đông dân nhất Việt Nam
- Top 10 đơn vị hành chính cấp huyện đông dân nhất Việt Nam
- Top 10 đơn vị hành chính cấp huyện ít dân nhất Việt Nam
- Top 10 tỉnh tăng dân số nhanh nhất Việt Nam
- Tỉnh nào có dân nhập cư, xuất cư nhiều nhất?
- Tỉnh nào đang bị giảm dân số?
- Top 10 tỉnh ít dân nhất Việt Nam
- Top 10 tỉnh có mật độ dân cư đông nhất Việt Nam
- Top 10 tỉnh thưa dân nhất Việt Nam
- Tỷ số giới tính tại các tỉnh, thành của Việt Nam