Tổng Bí thư: Dự kiến sắp xếp còn 34 tỉnh, thành

Theo dự kiến, tính toán ban đầu sẽ có khoảng 34 tỉnh, thành phố trên cơ sở sắp xếp lại 63 tỉnh, thành phố hiện nay; không tổ chức hoạt động hành chính cấp huyện; và tổ chức khoảng 5.000 đơn vị hành chính cấp xã, phường, Tổng bí thư Tô Lâm chia sẻ chiều 28/3, tại buổi gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Dự kiến sắp xếp đơn vị hành chính còn 34 tỉnh, thành, khoảng 5.000 đơn vị hành chính cấp xã- Ảnh 1.
Tổng Bí thư Tô Lâm với các đại biểu Ảnh: TTXVN

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), chiều 28/3, tại thành phố Đà Nẵng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu khu vực miền Trung -Tây Nguyên.

Tại cuộc gặp mặt, Tổng bí thư đã chia sẻ về chủ trương tổ chức lại không gian phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Tổ chức lại không gian phát triển kinh tế-xã hội

Tổng Bí thư cho biết, về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, trên cơ sở tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được thực hiện mạnh mẽ, triệt để, khoa học, nhân văn, làm từ trên xuống dưới với phương châm “Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng”.

Bộ Chính trị đang xây dựng nội dung để trình Trung ương “Đề án sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã”; “Đề án sắp xếp lại các tổ chức chính trị-xã hội, các hội quần chúng được Đảng- Nhà nước giao nhiệm vụ về trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”; “Chủ trương sửa đổi Hiến pháp 2013″… và sau đó là xin ý kiến nhân dân. 

Tổng Bí thư Tô Lâm: Dự kiến sắp xếp đơn vị hành chính còn 34 tỉnh, thành, khoảng 5.000 đơn vị hành chính cấp xã- Ảnh 3.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu – Ảnh: TTXVN

Các nội dung trên nhằm mục đích tổ chức lại không gian phát triển kinh tế-xã hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng với tầm nhìn đến năm 2045-2050 và xa hơn nữa. 

Theo Tổng Bí thư, dự kiến cơ cấu lại bộ máy tổ chức hành chính 3 cấp gồm: cấp trung ương, cấp tỉnh, thành phố và cấp xã, phường.

Theo dự kiến, tính toán ban đầu sẽ có khoảng 34 tỉnh, thành phố trên cơ sở sắp xếp lại 63 tỉnh, thành phố hiện nay; không tổ chức hoạt động hành chính cấp huyện; và tổ chức khoảng 5.000 đơn vị hành chính cấp xã, phường.

“Cơ cấu tổ chức này hướng đến mục tiêu chính quyền, cán bộ gần dân hơn, sát dân hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn.

Chính quyền phải chủ động tiếp cận được với người dân, thay vì nhân dân phải tới chính quyền. Từ đó tạo ra không gian phát triển kinh tế – xã hội từng khu vực, vùng để đất nước ta sớm được phồn vinh. Đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao”, Tổng Bí thư nói.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, qua tham khảo trên thế giới thì có khoảng 80% các nước có mô hình chính quyền 3 cấp. Trong quá trình tổ chức mô hình 3 cấp sẽ có những vấn đề rất mới trong tư duy, chỉ đạo, thực hiện.

Bởi khi thực hiện theo mô hình 3 cấp thì phải nghiên cứu, sắp xếp lại. Ở trung ương làm gì? Ở cấp tỉnh làm gì? Chính quyền cấp xã làm gì?.

Với mô hình chính quyền 3 cấp sẽ phân rõ vai trò của từng cấp. Ví dụ như ở trung ương sẽ tập trung các chiến lược quốc gia, đối ngoại, quốc phòng, an ninh. Tỉnh thì triển khai các vấn đề này cụ thể ở địa phương.

Cấp xã là cấp quan trọng nhất vì đây là nơi gần dân nhất. Đồng thời là nơi tổ chức triển khai tất cả các chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước.

“Nếu nghị quyết không được triển khai tới chi bộ, tới nhân dân thì có lẽ tất cả chỉ là trên giấy”, Tổng Bí thư nói.

Theo Tổng Bí thư, với mô hình chính quyền 3 cấp thì cấp xã là cấp quan trọng nhất, rất khác so với hiện nay. Theo Tổng Bí thư, với mô hình 4 cấp như hiện nay thì cấp xã chủ yếu giải quyết các công việc hành chính mà không được phân cấp, phân quyền để lo về kinh tế, xã hội, y tế, giáo dục, mà những việc này giao cho huyện, tỉnh lo.

Do vậy những yêu cầu đặt ra ở cấp xã trong mô hình mới sẽ rất lớn, khi cấp xã sẽ giải quyết được hầu hết các thủ tục của dân.

“Bây giờ chúng ta phải làm ngược lại quy trình ấy. Cán bộ xã ở cơ sở phải nắm bắt được tất cả tâm tư nguyện vọng của nhân dân.

Phải biết được người dân đang mong muốn gì? Khó khăn về cái gì? Cần giúp đỡ cái gì? Những nội dung này xã phải giải quyết, chứ làm sao tỉnh đến được”, Tổng Bí thư nhấn mạnh vai trò của cấp xã trong mô hình mới.

Nguồn: https://baochinhphu.vn/tong-bi-thu-to-lam-gap-mat-can-bo-lao-thanh-cach-mang-nguoi-co-cong-tieu-bieu-102250328185041499.htm

Xem thêm: Tổng dân số, diện tích của một số cụm tỉnh, thành:

Bạn có biết?